Công nghệ bê tông Miclayo: giải pháp chống sạt lở

Gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nhiều, không chỉ tại miền Tây Nam bộ (Sa Đéc, Cần Thơ, An Giang...) mà còn xảy ra ngay tại TP.HCM, điển hình là tại bán đảo Thanh Đa.

Các giải pháp đã áp dụng lâu nay như rọ đá, xây dựng đê bao... chỉ là tạm thời, hiệu quả chỉ trong vòng non hai năm. Còn nếu áp dụng công nghệ của các nước tiên tiến như Mỹ thì chi phí quá lớn, ngân sách không chịu nổi. Thế nhưng, vẫn có một công nghệ Việt đáp ứng được nhu cầu bức thiết này, đó là công nghệ bê tông Miclayo của TS Nguyễn Hồng Bỉnh, phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM.
 
Điểm độc đáo của công nghệ bê tông này là rất “dễ tính”: có thể sử dụng đá đủ loại (đá bụi, đá mi, sành sứ và gạch bể...), đất cát đủ loại (thô hoặc mịn), nước đủ loại (nước phèn, nước lợ và thậm chí cả nước biển!) nhưng chủ yếu phải có chất phụ gia CSSB của TS Bỉnh. Chất phụ gia này có khả năng “trục xuất” các thành phần sét và muối trong đất ra bề mặt nhờ cơ chế điện lý hoá, tạo hiệu quả làm tăng tính kết dính các nguyên vật liệu thành một khối trơ chịu lực tốt và không trương nở. Được biết, khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngọc Phương Nam tại Cần Giờ đã xây dựng tuyến kè thử nghiệm bằng công nghệ này từ tháng 8.2004, đến nay công trình vẫn ổn định, không hư hại sau 4 năm sử dụng. Uỷ ban Nhân dân TP.HCM cũng đã dự kiến sử dụng công nghệ này để chống sạt lở cho các vùng ngoại thành.